• Khoang Hành Khách HV 08
  • 3
  • 2
  • 1
  • a8
  • tàu mới 1
  • slide 11
  • Hoàng Vy
  • slide 9
  • slide 7
  • slide 5

Địa danh nổi tiếng ở Đảo Quan Lạn

Cập nhật: 25-02-2017 09:08:00 | Tin tức | Lượt xem: 5217

Quan Lạn cũng giống như phần lớn các hòn đảo ở nước ta, được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho cảnh sắc thiên nhiên rất độc đáo 

1. Các bãi biển: 
Quan Lạn cũng giống như phần lớn các hòn đảo ở nước ta, được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho cảnh sắc thiên nhiên rất độc đáo và những bãi biển đẹp đã tạo nên điểm nhấn cho hòn đảo xinh đẹp này. Ở Quan Lạn có hai bãi biển đẹp nhất là bãi Sơn Hào và bãi Minh Châu. 
Bãi Sơn Hào có bãi cát thoai thoải và dài nhất, khoảng 3km. Bãi Sơn Hào là nơi cửa biển nên sóng rất to, thích hợp cho nhưng du khách ưa cảm giác mạnh. Bên bờ biển là rừng phi lao quanh năm rì rào trong gió. 

 Bãi biển Quan Lạn, Quảng Ninh
Bãi biển Quan Lạn, Quảng Ninh
 

Nếu sóng biển ở bãi Sơn Hào luôn tràn đầy sức mạnh như chàng trai mới lớn thì bãi biển Minh Châu lại dịu dàng như cô gái với những cơn sóng nhỏ êm dịu lăn tăn gợn theo gió vỗ vào bờ. Để đi đến bãi Minh Châu phải vượt qua một con đường cắt ngang rừng trâm. Rừng trâm có tuổi đời hàng trăm năm, là một loại cây thân gỗ, mọc trên cát, có tác dụng giữ đất, chắn gió và cho bóng mát. Sóng biển Minh Châu êm dịu, nhẹ nhàng là do bãi biển này nằm trong vịnh, kín gió hơn nên nước lặng và trong đến độ có thể nhìn tới tận đáy sâu. Minh Châu là một trong những bãi biển nước trong xanh và có bãi cát trắng đẹp nhất miền Bắc.

2. Hải đăng Quan Lạn
Đối với những ngư dân đi biển, những ngọn hải đăng có ý nghĩa quan trọng sống còn. Trong bão tổ tối tăm, ngọn hải đăng là hoa tiêu soi đường cho họ để tìm đường về với đất liền. Với truyền thống đi biển từ lâu đời nên tại đảo Quan Lạn, ngọn hải đăng cũng sớm được xây dựng. Hải đăng Quan Lạn không chỉ có tác dụng giúp ngư dân xác định phương hướng mà ngày nay, nó còn trở thành một trong những điểm thăm quan không thể bỏ qua khi du khách đến với Quan Lạn.
Ngọn Hải Đăng này được coi là cổ xưa nhất Việt Nam và Đông Nam Á với kết cấu bên ngoài là vô số những viên đá hoa cương được đẽo gọt và tính toán rất kỹ lưỡng sao cho chỉ cần lắp ghép những viên đá vào với nhau có thể tạo thành một khối vững chắc.
Bên trong có 184 bậc thang xoáy ốc dẫn lên đỉnh cùng hàng chục bậc tam cấp dẫn lên đến đỉnh đèn. Tất cả vật liệu xây dựng đều được đưa từ Pháp sang kể cả ngọn đèn có công suất 2.000W trên đỉnh và máy phát điện.
 

 
Hải đăng Quan Lạn
 

Ngọn đèn này có thể chiếu xa trong vòng bán kính 40km tương đương 22 hải lý tạo thành những luồng sáng kỳ ảo, nhấp nháy liên tục như một vì sao theo chu kỳ 20 giây 1 lần. Nếu không có cơ hội được leo lên tận đỉnh ngọn hải đăng khi đêm về, bạn chỉ cần ngồi trên cát cũng có thế thấy trong mỗi 20 giây, ánh sáng đèn lặp lại một cách chính xác tuyệt đối trên biển, quét mạnh mẽ vào không gian.

3. Đình Quan Lạn:
Đình Quan Lạn đầu tiên được xây dựng gần bến Cái Làng, từ thời Hậu Lê, khoảng thế kỷ 17 ở  trung tâm thương cảng Vân Đồn. Sau nhiều thế kỷ hưng thịnh, đến thời nhà Nguyễn, cảng Vân Đồn hoang tàn do việc thông thương đã đi sâu vào khu vực kinh kỳ và phố Hiến, dân Cái Làng chuyển chỗ để chuyên nghề biển, ngôi đình được chuyển về Quan Lạn, gọi là đình Quan Lạn.  Vị trí đình hiện nay được xây dựng vào năm Thành Thái thứ mười hai (khoảng từ 1890- 1900) trên thế đất nhìn ra biển, phía trước là 2 ngọn núi: Sao Trong, Sao Ngoài, Sao Ơn và 5 đỉnh núi sau lưng.  Từ Cái Làng về Quan Lạn, đình phải chuyển đến ba lần. Trước kia đình được xây dựng ở chân núi Đông Đồn, sau một thời gian chuyển về thôn Nam nhưng vẫn không được hướng nên trong làng thường xảy ra khá nhiều chuyện. Một lần nữa đình được chuyển về thôn Đoài như ngày nay.
 

 
Đình Quan Lạn
 

Ngôi đình được xây dựng trên mảnh đất rộng khoảng 500m2 nhưng có 32 cột cái, 36 cột quân.Đình gồm một bái đường nối với hậu cung bởi ba gian ống muống. Chất liệu gỗ làm đình chủ yếu là gỗ mần lái, chỉ thấy ở vùng đảo Hải Vân, loại gỗ này được mệnh danh là siêu tứ thiết với độ cứng hơn cả gỗ lim và chịu được nước biển. Trong cả nước cho đến này, chỉ có duy nhất đình Quan Lạn sử dụng gỗ mần lái. Trên nóc đình có hình lưỡng long chầu nguyệt, các đầu đao uốn cong, phía trước đình đắp bốn chữ nổi “Quốc thịnh dân hưng”, thể hiện ước vọng của người dân trong vùng. Bên trong đình được chạm khắc công phu, tỉ mỷ và rất độc đáo tạo thành bức tranh nghệ thuật hoành tráng. Đặc biệt, các đầu bẩy đều chạm khắc đầu rồng, mỗi một đầu rồng lại có sự khác nhau. Trong đình còn có một số họa tiết lạ thường hình con ngài tằm và con vỗ bụng- một giống tôm phổ biến ở vùng biển này. Những hình đó đã khẳng định được sự hưng thịnh về nghề trồng dâu nuôi tằm và đánh bắt hải sản trên mảnh đất Quan Lạn từ xa xưa. Sàn đình được làm bằng gỗ, kiểu kiến trúc này chỉ có ở đình Bảng (Bắc Ninh), và đình Trà Cổ (Móng Cái). Bên cạnh đó, đình còn lưu giữ được 18 sắc phong từ đời vua Thiệu Trị năm thứ nhất (1841) đến đời Bảo Đại. 
Đình thờ thành hoàng làng, các vị tiên công có công quai đê lập ấp dựng làng. Đình Quan Lạn còn đặc biệt ở chỗ, đây là ngôi đình duy nhất ở Việt Nam thờ tượng vua Lý Anh Tông, người có công thành lập ra trang, trấn Vân Đồn năm 1149. Trong đình còn thờ tướng Trần Khánh Dư - người có công lớn trong trận đánh thuyền lương giặc Nguyên Mông và gắn bó với vùng đảo này.

4. Chùa Quan Lạn:
Chùa Quan Lạn nằm cạnh đình Quan Lạn. Chùa có tên chữ là Linh Quang tự. Chùa có kiến trúc giản dị. Ngoài cùng là tam quan, sau đến bái đường và hậu cung. Mái lợp ngói mũi hài. Hệ thống vì kèo cột gỗ theo kiểu giá chiêng chồng rường, trên các đầu xà, đầu trụ có chạm khắc hoa lá, chủ yếu là hoa sen. Chùa Quan Lạn thờ Phật, thờ mẫu Liễu Hạnh và cụ Hậu. Cụ Hậu là người gốc Quan Lạn không có con, sống rất hiền lành phúc hậu, trước khi chết cụ đã hiến toàn bộ tài sản của mình còn lại cho nhà chùa, vì vậy mà người dân trong vùng đã tôn cụ làm Hậu Phật, tạc tượng cụ và đặt tượng cụ ở ngay trong chùa. Tượng cụ Hậu là bức tượng dân gian khá đặc sắc còn lưu giữ trong chùa.
 


Di tích lịch sử chùa Quan Lạn
 

Hiện nay chùa còn lưu giữ được đầy  đủ hệ thống tượng phật có giá trị điêu khắc mang đậm phong cách thời Nguyễn, các bức hoành phi, câu đối, sắc phong của vua Thành Thái (1889) phong cho mẫu Liễu Hạnh.

5. Nghè Quan Lạn:
Đảo Quan Lạn còn có 2 nghè: nghè Bản Thổ và nghè Trần Khánh Dư.
Nghè Bản Thổ rất nhỏ nằm giữa đình và chùa, thờ thần bản thổ. Nghè nằm về phía đông bắc của đảo Quan Lạn trên trục đường chính Quan Lạn đi Minh Châu cách đình khoảng 1,2km. Nghè cũ sau khi bị hỏng đến năm 1986 được xây dựng lại khang trang, dân làng long trọng rước Bài vị, sắc phong đức thánh về an toạ tại nghè. Trong sách chép nói về các thần của Quan Lạn có ghi: “Thần thổ địa là vị có công khai phá đất đai dựng nên xã này, cũng là vị dũng mãnh chết trong chiến trận”. Hiện trong nghè đang thờ một bài vị, trên bài vị có ghi: “Đương Cảnh thổ địa thần kỳ - vị hiền”. Hàng năm đúng vào ngày 16/6 âm lịch, dân làng làm lễ rước bài vị, sắc phong của ngài từ nghè về đình tổ chức hội chèo bơi truyền thống và ngày 19/6 âm lịch làm lễ xa giá hoàn cung rước bài vị, sắc phong của ngài về nghè.

Nghè Trần Khánh Dư nằm ở xóm Thái Hà, bị hỏng nặng, năm 1995 được xây dựng lại theo kiểu chữ đinh gồm 3 gian tiền đường và 1 gian hậu cung. Nghè thờ tướng Trần Khánh Dư, người có công lao to lớn trong việc bảo vệ vùng biển biên ải Đông Bắc của tổ quốc.
Nghè Trần Khánh Dư và đình Quan Lạn có mối quan hệ rất gắn bó và mật thiết với nhau. Hàng năm dân làng vẫn tổ chức rước kiệu Trần Khánh Dư từ đình về nghè để thờ.
 

 
Nghè Trần Khách Dư 
 

6. Miếu:
Ở Quan Lạn có bốn ngôi miếu, đó là miếu Cao Sơn, miếu Đức Ông, miếu Sao Ơn và miếu Đồng Hồ.
Miếu Sao Ơn và miếu Đức Ông, Miếu Đồng Hồ là nơi thờ ba anh em tướng lĩnh họ Phạm  đã tham gia chiến đấu trong trận đánh giặc Nguyên Mông thế kỷ XIII và các ông đã hy sinh ngay trên vùng biển Quan Lạn. Xác của ba ông đã trôi dạt vào bờ ở ba nơi: Sao Ơn, Đồng Hồ, Bến Đình như vị trí miếu thờ ba ông ngày nay.
Miếu Cao Sơn thờ thần núi, một vị thần mà người dân trong đảo tôn sùng, họ cho rằng nhờ có vị thần này che chở mà đời sống của họ được ấm êm, no đủ. Ngoài ra, miếu còn thờ Đỗ Tấn Thân, cụ tổ của dòng họ Đỗ.

Cụm di tích đình, chùa, miếu, nghè Quan Lạn thực sự là cụm di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc mang đậm bản sắc văn hoá của cư dân biển. 
Cụm di tích Quan Lạn đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 575/Q Đ, ngày 14/7/1990.

Thư viện video
Đặt véHướng dẫn đặt véĐiều khoảnQC1Quảng cáo